Năm Kim Kê tính chuyện kê lại vàng, đô

03-02-2017 | 15:57:09 +0700

Dự kiến, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt tay vào hoàn thiện đề án chống đô la hóa và vàng hóa, trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong năm 2016, vàng và “đô” cũng là hai điểm nổi bật, với nhiều đề xuất, kiến nghị cùng những quan điểm khác nhau. Có thể, với đề án sắp tới, ứng xử của chính sách sẽ có những thay đổi.

Không im lặng với vàng

Giai đoạn 2011 - 2016, tại nhiều thời điểm, đặc biệt trong năm 2016, kiến nghị thay đổi cơ chế quản lý kinh doanh vàng, đề xuất lập sàn vàng quốc gia, huy động nguồn lực “500 tấn vàng” trong dân… rất nhiều lần hướng về Ngân hàng Nhà nước, rồi lên cấp Chính phủ, Quốc hội.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có những phản hồi một cách chính thức và toàn diện từ các cấp quản lý. Vì có những lý do khác nhau.

Trước hết, trong giai đoạn trên, Ngân hàng Nhà nước tập trung và quyết liệt, thậm chí chịu nhiều áp lực dư luận trong quá trình lập lại trật tự trên thị trường vàng, bóc tách vốn vàng và rủi ro liên quan ra khỏi hệ thống tổ chức tín dụng, giảm thiểu lực hấp dẫn của vàng mà qua đó để hạn chế những bất lợi đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định vĩ mô.

Đến nay, đường hướng đó vẫn nhất quán mà chưa có thay đổi lớn nào xuất phát từ những kiến nghị trên (có thể một phần vì mâu thuẫn hoặc không phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước).

Thứ hai, bao trùm cơ chế quản lý thị trường vàng là Nghị định 24 của Chính phủ, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 5/2012. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước mới bắt đầu thực hiện tổng kết, rà soát lại để kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn với thực tế.

Theo đó, thị trường sẽ phải tiếp tục chờ đợi nhà quản lý rà soát, đánh giá lại cơ chế để có quyết định cuối cùng có điều chỉnh chính sách hay không.

Còn theo tìm hiểu của VnEconomy, một trong những nội dung Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét là tín dụng cho sản xuất kinh doanh vàng. Đây cũng là điểm mà Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiên trì kiến nghị nhiều lần: nhiều năm qua các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng không thể vay vốn ngân hàng, trong khi họ đòi hỏi được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác trong tiếp cận vốn.

Và dự kiến Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ rà soát lại để xem xét điều chỉnh một số điều kiện trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, để tạo những thuận lợi hợp lý cho doanh nghiệp.

“Chống”, nhưng cần linh hoạt

Nhìn về đề án mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, từ “chống” trong chống đô la hóa, chống vàng hóa đã thể hiện rõ chủ trương của chính sách.

“Trên thị trường vẫn có những mong đợi hồi sinh sự bùng nổ “vàng mắt” một thời của các sàn vàng, muốn tạo thêm quyền năng cho vàng mà tiềm ẩn nhiều rủi ro, xáo trộn bất lợi đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và đối với ổn định vĩ mô. Nhưng, sau nhiều công sức để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của vàng những năm qua, tôi nghĩ chính sách sẽ nhất quán trong đề án mới, tiếp tục “chôn” những bất ổn của vàng xuống”, ông Hưởng dự tính.

Phó chủ tịch LienVietPostBank cũng lưu ý, tại Chỉ thị số 01 mà Thống đốc mới ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng “chuyển hóa nguồn lực vàng”, chứ không phải “huy động”. Định hướng này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ gợi mở vừa qua, bằng việc điều hành chính sách để tạo môi trường kinh doanh tốt, tạo được giá trị và niềm tin vào VND để kích thích nguồn lực đó đi vào đầu tư, sản xuất kinh doanh thay vì vay mượn như trước đây.

Cũng là một nguồn lực lớn, với vốn ngoại tệ, ông Hưởng lại có góc nhìn khác, như từng đưa ra trong năm 2016. Đó là đưa lãi suất USD “lên khỏi mặt đất”, điều mà chuyên gia này tin là nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đang chờ đợi.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, chống đô la hóa những năm gần đây và đến nay đã đạt kết quả tốt, tỷ lệ tiền gửi và tín dụng ngoại tệ đã giảm xuống mức thấp.

Nhưng theo lập luận của ông Nguyễn Đức Hưởng, nếu theo ý chí chủ quan, bằng mệnh lệnh hành chính cấm hẳn cho vay ngoại tệ, áp trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 0%, đưa hẳn vào trong đề án đang xây dựng, thì sẽ đạt kết quả chống đô la hóa nhanh về số liệu báo cáo. Còn giá trị của một nguồn lực đối với nền kinh tế, với yêu cầu cân đối vốn của hệ thống ngân hàng thương mại có phát huy được hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Hưởng tiếp tục quan điểm từng đưa ra trước đây, cho rằng Ngân hàng Nhà nước “chống” nhưng cần linh hoạt. Tức là có một tỷ lệ đô la hóa chấp nhận được, nâng lãi suất huy động USD lên theo các kỳ hạn ở mức thấp, qua đó củng cố cân đối nguồn và thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Đây được cho là cân đối cần cho chính sách tín dụng ngoại tệ, mà Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mở trong năm qua và trong năm 2017; cần cho năng lực thu hút nguồn ngoại tệ trong dân cư vào ngân hàng, kích thích kiều hối, vốn từ bên ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất; cần cho cân đối chi phí vay vốn của doanh nghiệp, tạo thêm nguồn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo Vneconomy

Tags:

0.05030 sec| 1749.055 kb